Nội dung bài viết được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia công nghệ từ GoodSpace. Với mong muốn mang đến nội dung trung thực, trải nghiệm thực tế, đúng triết lý kinh doanh của công ty. Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy để lại một like. Nếu chưa tốt, đừng ngần ngại Gửi góp ý để chúng mình cải thiện nhé!
Cấu tạo bàn phím cơ gồm những gì? 8 bộ phận cơ bản của bàn phím cơ
Bàn phím cơ ngày càng được nhiều người dùng lựa chọn bởi nó giúp gia tăng tốc độ đánh máy nhờ độ nảy và độ chính xác cao, hỗ trợ làm việc và chơi game tốt. Mời bạn cùng xem qua 8 bộ phận cơ bản cấu tạo nên bàn phím cơ ở bài viết này nhé!
Bàn phím cơ là gì?
Bàn phím cơ là loại bàn phím được thiết kế với các switch (công tắc cơ học) có độ nảy cao bên dưới mỗi phím. Switch thường được gia công từ nhựa hoặc kim loại, do vậy mỗi loại switch sẽ cho ra cảm giác gõ phím và âm thanh khác nhau. Bên cạnh đó, người dùng có thể tháo rời switch để thuận tiện vệ sinh và thay thế khi hư hỏng.
Mời bạn xem thêm bài viết Bàn phím cơ là gì? Có nên mua bàn phím cơ để sử dụng để hiểu rõ hơn về bàn phím cơ nhé!
Cấu tạo của bàn phím cơ
Switch - Trái tim của bàn phím cơ
Switch (công tắc cơ học) được xem là "trái tim" của bàn phím cơ, được đặt bên trên tấm plate và có chân tiếp xúc trực tiếp với bảng mạch PCB, do đó bộ phận này quyết định trực tiếp đến cảm giác gõ phím của bạn. Trên thị trường hiện nay có 3 loại switch phổ biến gồm:
Clicky Switch: Là loại switch tạo ra tiếng "clicky" khi người dùng gõ phím, đặc biệt phù hợp với các game thủ, giúp gia tăng sự hứng thú khi chiến game.
Linear Switch: Là loại switch có hành trình phím suôn từ đầu đến cuối, âm thanh khi gõ phím khá êm và dịu tai nên rất phù hợp với những ai làm công việc văn phòng, cần không gian yên tĩnh.
Tactile Switch: Có một "khấc bấm" nên người dùng có thể cảm nhận được cảm giác nhấn phím rõ ràng, phù hợp với lập trình viên hoặc những ai muốn có cảm giác gõ chắc tay.
Keycap (nút bấm)
Keycap là phần nút bấm được đặt bên trên switch mà bạn trực tiếp nhìn thấy và tiếp xúc khi gõ phím. Keycap thường được gia công từ nhựa có độ bền cao, trọng lượng nhẹ, có độ nhám nhất định để chống trơn trượt khi gõ phím, đồng thời nâng cao tính thẩm mỹ cho bàn phím.
Hiện nay có rất nhiều loại profile keycap khác nhau như SA, DSA, OEM,... Profile SA có hình cầu lõm xuống với độ nghiêng khác nhau theo dòng đem lại cho người dùng cảm giác gõ sâu cùng âm thanh rõ ràng. Trong khi đó, DSA thuộc loại low-profile có bề mặt trên phẳng với độ lõm nhẹ nên ít gây tiếng ồn khi gõ phím.
Stabilizer
Stabilizer là bộ phận hỗ trợ duy trì sự ổn định và cân bằng của các phím có kích thước lớn và hình dáng dài hơn bình thường như phím cách (Space), Shift, Enter và Backspace. Stabilizer đảm bảo rằng khi bạn nhấn những phím này ở bất kỳ vị trí nào cũng không bị kẹt hay tạo âm thanh lọc xọc, từ đó gia tăng hiệu suất đánh máy và trải nghiệm sử dụng của người dùng.
Bên cạnh đó, stabilizer chất lượng cao có thể hạn chế lực tác động không đồng đều lên bàn phím, từ đó kéo dài tuổi thọ của switch.
PCB (Printed Circuit Board) - Linh hồn của bàn phím cơ
PCB được gọi là "linh hồn" của bàn phím cơ bởi đây là bộ phận liên kết giữa tất cả các switch, đèn LED, và các thành phần khác của bàn phím qua đường dẫn mạch điện và chuyển đổi chúng thành tín hiệu để gửi đến máy tính. Khi người dùng nhấn phím, mạch điện trên PCB sẽ đóng lại, sau đó tạo ra tín hiệu cho vi điều khiển trên PCB xử lý, rồi truyền đến máy tính.
Chính vì vậy mà PCB có thể đảm bảo rằng tín hiệu được truyền từ mỗi phím đến máy tính một cách chính xác, không bị nhiễu.
Case (Vỏ bàn phím)
Case (Vỏ bàn phím) là thành phần quan trọng của bàn phím cơ bởi nó không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho các bộ phận bên trong mà còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của bàn phím. Vỏ bàn phím thường được chế tác từ nhựa hoặc kim loại bởi chất liệu này có độ bền cao, chịu lực tốt và không bị gỉ sét.
Tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính bạn có thể lựa chọn bàn phím cơ có case phù hợp. Nếu bạn muốn lựa chọn bàn phím có trọng lượng nhẹ, giá thành thấp, đa dạng màu sắc thì hãy chọn case bằng nhựa. Còn nếu bạn muốn bàn phím nhìn sang trọng thuộc phân khúc cao cấp, độ bền cao, chịu lực tốt thì hãy chọn case bằng kim loại nhé!
Đèn LED
Đèn LED RGB thường được tích hợp trên một số mẫu bàn phím cơ tầm trung đến cao cấp nhằm khiến cho bàn phím trở nên hiện đại và bắt mắt hơn. Hệ thống đèn LED trên bàn phím cơ có 2 tùy chọn chính gồm đèn LED đơn sắc và đèn LED RGB.
Đèn LED đơn sắc là loại đèn chỉ có một màu sắc duy nhất như trắng, đỏ, xanh dương, hoặc xanh lá cây, cho phép bạn điều chỉnh độ sáng và hiệu ứng ánh sáng phù hợp với phong cách cá nhân và không gian làm việc. Mặt khác, đèn LED RGB cung cấp nhiều dãy màu sắc khác nhau để bạn có thể tạo ra hiệu ứng ánh sáng độc đáo.
Tấm lót foam
Tấm lót foam có nhiệm vụ giữ chặt các switch được hàn trên bảng mạch PCB. Điều này sẽ giúp gia tăng sự ổn định của bàn phím, mang lại trải nghiệm nhấn phím tốt hơn, đồng thời hạn chế gây ra tiếng ồn nhằm tạo ra cảm giác dễ chịu và thoải mái trong quá trình làm việc của bạn. Ngoài ra, một số tấm lót còn giúp chống ẩm, chống nước để gia tăng độ bền của bàn phím.
Cáp USB
Cáp USB là loại cổng kết nối phổ biến nhất hiện nay, tốc độ truyền dữ liệu nhanh, độ trễ thấp và có thể sử dụng được cho nhiều thiết bị khác nhau, từ máy tính bảng, đến laptop.
Chính vì vậy nên bàn phím cơ sử dụng cáp USB sẽ là sự lựa chọn tối ưu dành cho những ai thường xuyên chơi game hoặc cần nhập liệu thường xuyên, yêu cầu độ chính xác cao và phản hồi nhanh chóng. Người dùng chỉ cần cắm một đầu cáp vào bàn phím và một đầu cắm vào cổng USB trên laptop hoặc PC là có thể sử dụng dễ dàng.
Các câu hỏi thường gặp
Tuổi thọ của bàn phím cơ là bao lâu?
Bàn phím cơ có tuổi thọ lên đến 20 - 70 triệu lần nhấn, tương đương 3 - 4 năm (tùy thuộc vào chất lượng, loại switch sử dụng và khả năng bảo quản của người dùng). Vậy nên, tuy ban đầu bạn bỏ ra số tiền cao hơn so với thông thường để mua bàn phím cơ nhưng tuổi thọ sử dụng và độ bền của nó là vô cùng xứng đáng.
Switch bàn phím cơ có thể thay thế không?
Có thể thay đổi phím switch linh hoạt là một trong những điểm đáng chú ý của bàn phím cơ. Vậy nên, bạn không cần lo lắng rằng bị ràng buộc bởi tùy chọn của nhà sản xuất mà có thể thay đổi linh hoạt theo nhu cầu sử dụng, sở thích cá nhân chỉ bằng cách sắm cho mình một chiếc bàn phím cơ có khả năng hotswap. Mình gợi ý bạn có thể tham khảo các bàn phím có hotswap đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Keychron, IQUNIX, CIDOO,... nhé!
Bàn phím cơ có tốt hơn cho việc đánh máy hay chơi game không?
Bàn phím cơ có độ nảy cao, tốc độ phản hồi nhanh chóng, cho phép lựa chọn switch linh hoạt tùy theo nhu cầu sử dụng, từ học tập, làm việc, tới chơi game giải trí. Vậy nên, bàn phím cơ có thể phục vụ tốt cho việc đánh máy lẫn chơi game.
Xem thêm:
So sánh bàn phím cơ và bàn phím thường khác nhau thế nào?
Hướng dẫn cách mở đèn bàn phím cơ và đổi màu đơn giản, chi tiết
Hy vọng những thông tin nêu trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo bàn phím cơ, từ đó đưa ra lựa chọn mua sản phẩm phù hợp.